TƯỢNG PHẬT CHÙA KHẢI TƯỜNG

Chùa Khải Tường là một trong những ngôi chùa quan trọng của vùng đất Gia Định xưa. Nơi đây gắn với sự kiện vua Minh Mạng chào đời nên được liệt vào hàng chùa quan từ rất sớm với danh hiệu “Quốc ân Khải Tường tự”


Tượng Phật chùa Khải Tường tại Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh 

Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Chùa Khải Tường ở địa phận thôn Hoạt Lộc huyện Bình Dương. Năm đầu niên hiệu Minh Mạng phụng Dụ nói: Năm Tân Hợi (1791) Ngài sanh ở đây vậy là đất lành, nên lập chùa thờ để ghi nhớ. Năm thứ 17 (1836) trùng tu”. Và câu chuyện về bức tượng Phật của chùa Khải Tường cũng bắt đầu từ sự kiện đó.

Chùa Khải Tường (được Emile Gsell chụp khoảng năm 1871-1874)

Theo Đại Nam Liệt Truyện, tập 2: “Chuyện kể rằng, trong những ngày tháng tá túc tại chùa Khải Tường (thôn Hoạt Lộc, Gia Định) để ẩn tránh quân đội Tây Sơn đang truy đuổi, chúa Nguyễn Ánh phải đi phiêu bạt. Hằng đêm, Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu của vua Gia Long thường đốt hương khấn trời rằng: “Hiện nay vận nước còn rối ren, chưa yên định đất nước, may nhờ phước lớn, sinh con trong bước loạn ly, ra đi mà bỏ thì không nỡ, mà bồng bế theo nhau thì không khỏi phiền lòng chúa thượng. Nếu mệnh ta đáng có con, xin chờ thiên hạ bình yên rồi hãy sinh”. Năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Ánh lấy lại được thành Gia Định. Có một đêm, Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu nằm chiêm bao thấy người thân trình một cái ấn báu, hai cái ấn, cái ấn báu thì sắc đỏ bóng nhẫy tươi sáng như mặt trời; một cái ấn thì sắc tía, một cái ấn thì sắc rất nhạt, người đều nhận cả. Năm 1791, Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu sinh thành Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (sau chính là vua Minh Mạng), con thứ hai là Kiến An vương, tên là Đài; thứ ba là hoàng tử Hiệu chết sớm; thứ tư là Thiệu Hóa quận vương tên là Chẩn”.

  Sau này khi lên ngôi vương, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho Bộ Lễ đến thành Gia Định để tìm lại dấu vết cũ, sau đó quan thành Gia Định đã tìm được di chỉ và vẽ địa đồ dâng lên. “Vua bèn lấy của kho 300 lạng bạc, giao cho quan địa phương, theo cách thức đã định của Bộ Công, gọi thợ xây dựng. Lại mộ sư đến ở, hạn là 20 người. Các lễ tiết hằng năm, có ruộng tự điền được đặt để sung cấp”. Ngày lạc thành ngôi chùa mới, thiện nam tín nữ gần xa đã đến chùa rất đông để chiêm bái bức tượng Phật Di Đà do vua Minh Mạng gửi từ Huế vào phụng cúng cho chùa. Tượng được làm bằng gỗ mít, thếp vàng, cao 1,96m. Theo ghi chép thì tượng được làm từ 7 tấm gỗ ghép lại. Pho tượng thể hiện đức Phật Di Đà trong tư thế ngồi kiết già (Vajrasana), hai tay trong tư thế định ấn (Dhyana mudra), trên đầu có nhục kế (Unisha) nhô cao, dái tai dài xuống gần vai. Thân tượng choàng Samghati phủ hai vai, để lộ áo thiên y bên trong, giữa ngực có chạm chữ Vạn (Svastika).

Năm 1859, khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định, chùa Khải Tường và một số cổ tự khác ở Gia Định trở thành nơi đóng quân của lính Pháp. “Nước mất chùa tan”, các ngôi chùa huy hoàng một thời bỗng nhiên lâm vào cảnh nhang tàn khói lạnh. Chùa Khải Tường cũng chịu chung tình cảnh đó, tượng Phật trong chùa bị bỏ ra sân và pho tượng Phật Di Đà bắt đầu một hành trình dài lưu lạc.

Năm 1867, chùa Khải Tường bị tháo dỡ, pho tượng Phật Di Đà được chuyển đi nhiều nơi trước khi được người Pháp mang về lưu giữ trong kho của phủ Toàn Quyền (dinh Norodom). Tuy nhiên, theo một số bức hình xưa thì pho tượng Di Đà này đã được trưng bày tại đại sảnh của phủ Toàn Quyền như là một món chiến lợi phẩm trong công cuộc chinh phục thuộc địa của thực dân Pháp.

Tượng Phật chùa Khải Tường trưng bày trong đại sảnh phủ Toàn Quyền

Năm 1929, khi Bảo tàng Blanchard de la Brosse đi vào hoạt động thì tượng được chuyển về trưng bày tại Trung đường (phòng bát giác) của bảo tàng. Đây là một bước ngoặt chấm dứt “số phận” thăng trầm hơn nửa thế kỷ gắn với lịch sử đầy biến động của vùng đất Sài Gòn - Gia Định, từ đây pho tượng chính thức được an vị tại một nơi xứng tầm để tôn vinh giá trị của mình. Từ đó đến nay đã hơn 90 năm, pho tượng Phật Di Đà của chùa Khải Tường luôn là một hiện vật thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng. Hiện nay, pho tượng được đặt trang trong tại phòng trưng bày Tượng thờ Phật giáo một số nước Châu Á để cùng với những pho tượng khác chuyển tải những sắc thái đã dạng trong nền văn hóa Phật giáo.

Tượng Phật chùa Khải Tường trưng bày tại Trung đường của Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn (giai đoạn trước 1975)

Mời các cùng bạn ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh để tận mắt nhìn ngắm pho tượng này và khám phá thêm những cổ vật, hiện vật khác để hiểu hơn về dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam.

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP