Sự xuất hiện của Bảo tàng Blanchard de la Brosse, tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh

Vào đầu thế kỷ 20, các công trình kiến trúc của đô thị Sài Gòn cũng đã đa dạng, đáp ứng khá đủ về các yêu cầu về quản lý hành chính, quân sự - cảnh sát về hạ tầng xã hội, văn hóa như chợ, ngân hàng, bệnh viện, nơi thờ cúng, nơi giải trí, tượng đài.


Hình 1: Sơ đồ minh họa các công trình kiến trúc, xây dựng tại Sài Gòn theo bản đồ Plan de Saigon – Cholon 1923 (các con số được lấy từ bản đồ gốc). 
(Nguồn: Thư viện Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, Plan de Saigon – Cholon 1923, part Saigon, ký hiệu Cef-M69)

Vào năm 1900, tại Sài Gòn xuất hiện một trụ sở quan trọng là tòa Đốc lý Sài Gòn, nơi đặt bộ máy cai trị đô thị Sài Gòn, được khánh thành vào năm 1900 (số 69)[1], có 30m mặt tiền, thể hiện khá phong phú và rõ nét phong cách kiến trúc thời Đệ Tam Cộng hoà Pháp (1870-1940)[2].
Các công trình xây dựng dành cho quân đội được rải ra khắp thành phố. Có thể kể dinh Đại Tướng (Hotel du Général–số 26)[3], các trụ sở công an như Trụ sở Cảnh sát Trung ương (25), Sở căn cước, Sở cảnh sát quận 1, quận 2, quận 3, bót Khánh Hội, bót Cầu Kho...
Một ngôi chợ không kém phần quan trọng cũng xuất hiện vào thời kỳ này, là ngôi chợ Mới (chợ Bến Thành ngày nay, số 0), được xây xong vào năm 1914.
Hai ngân hàng là Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine)[4], Ngân hàng Hong Kong Changhai (số 90)[5]  nằm cạnh nhau, đối diện trụ sở Messageries Maririmes bên kia bờ rạch Bến Nghé, tô đậm thêm cho bức tranh đô thị của Sài Gòn.
Một số trường học đáp ứng cho nhu cầu học tập ra đời. Năm 1904, trường Bá Nghệ (Ecole Professionnelle, số 17) được thành lập[6].
Trường Cơ khí Á Châu (Ecole des mécaniciens, số 84) ra đời năm 1906, nằm trên đường Đỗ Hữu Vị (Huỳnh Thúc Kháng). Trường được thành lập do Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ Rodier có mục đích là đào tạo chuyên viên cơ khí bản xứ cho ngành Hải quân Pháp tại Đông Dương[7] .
Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes (số 43) (Trường Nữ sinh bản xứ, tức là trường Áo Tím, trường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay) được hoàn thành vào ngày 19/10/1915.[8]
Trường Nữ sinh Tiểu học - Cao đẳng Pháp (Ecole Primaire et Supérieure Francaise des Jeunes Filles, EPS)[9] (số 24), được xây dựng vào năm 1918, với cổng chính hướng ra con đường huyết mạch Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Một số cơ sở tôn giáo bề thế cũng xuất hiện vào đầu thế kỷ XX. Năm 1900, tòa Tổng giám mục xuất hiện trên đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) (số 109). Cũng trong năm ấy, giới Tin Lành Pháp (Église Réformée de France) xây dựng nhà thờ Tin Lành (số 16) tại số 2 bis đường Norodom [10]. Một công trình tôn giáo khác, cũng bề thế không kém, xuất hiện, là Nhà thờ Chợ Đũi (số 92), nằm trên đường Frère Guillerault (Tôn Thất Tùng), được xây dựng năm 1902 [11].
Trong khoảng thời gian này, một số tượng được dựng lên. Tại Vòng xoay (Rond Point), bên bờ sông Sài Gòn, tượng Rigault de Genouilly được dựng lên, (số 73). Tượng Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh được đặt ngay tại quảng trường Pigneau de Béhaine (Place de Pigneau de Béhaine)[12]  trước nhà thờ Đức Bà năm 1900 (số 41). Tượng Francis Garnier (số 66), được dựng vào năm 1906, ở công viên nhỏ trước Nhà hát. Ngoài ra còn có bức tượng của Léon Gambetta[13]  nằm ở giao lộ Norodom (Lê Duẩn) và Pellerin (Pasteur).

 Hình 2: Sơ đồ minh họa vị trí tượng Rigault de Genouilly vào năm 1902 (mảnh cắt từ bản đồ Saigon 1902)
(Nguồn: Thư viện Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, bản đồ Saigon 1902, ký hiệu Cef-M57.)Hình 3: Tượng Gambetta ở đại lộ Norodom
(Nguồn: http://www.vnphoto.net/forums/showthread.php?p=629512.)

  Trong bối cảnh của một đô thị được xây dựng đa dạng như thế, thành phố Sài Gòn vẫn chưa có một bảo tàng bề thế để tương xứng với các công trình kiến trúc đang thi nhau mọc trong thành phố. Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse[14] nêu vấn đề này trong một buổi tiếp xúc với Hội Nghiên cứu Đông Dương vào ngày 12 /7/2017: “Sài Gòn thiếu một bảo tàng mà phải là bảo tàng về nghệ thuật và về lịch sử Viễn Đông. Một bảo tàng như vậy rất cần thiết không những cho các học giả mà còn cho tất cả những người quan tâm và say mê Đông Dương và Viễn Đông, và cũng cần cho các khách du lịch đến Sài Gòn mỗi năm mỗi đông hơn” (L’Écho annamite - 12 juillet 1927).
Một cơ hội thuận lợi góp vào việc hình thành bảo tàng này là bộ sưu tập cổ vật nổi tiếng của Dược sĩ Holbé[15], với các đồ gốm sứ Trung Quốc, bộ tiền cổ được tạo tác tinh vi Trung Quốc, tranh sơn mài Nhật Bản, những hiện vật quý giá của nền văn minh Khmer và Java... Holbé được người đương thời kính trọng vì sự uyên bác và vì sự kiên trì sưu tập cổ vật trong 40 năm. Ông qua đời ngày 18/2/1927, để lại bộ sưu tập danh tiếng, mà trước đây chỉ những người thân cận mới có dịp chiêm ngưỡng.
Hội Nghiên cứu Đông Dương khao khát có bộ sưu tập này để bổ sung vào kho hiện vật của Hội, vốn đã được sưu tầm từ trước với nhiều hiện vật quý báu như tượng Visnu tiền Khmer, bộ sưu tập tiền sử, những cổ vật nghệ thuật Chăm.
Một cuộc họp bất thường có đến 60 thành viên của Hội tham dự vào tối thứ Sáu ngày 17/6/1927 tại trụ sở của Hội, số 1 của đường Sohier, đã đưa ra quyết định là mua lại, với mức giá 45.000 piastres (đồng Việt Nam) bộ sưu tập cổ vật của Holbé. Di sản của Holbé cùng với các hiện vật mà Hội đã có sẽ làm kho tàng hiện vật của Hội phong phú hơn, xứng đáng với tầm cỡ một thành phố "Hòn ngọc" Viễn Đông (L’Écho annamite, 20/6/ 1927).
Cuộc vận động gây quỹ được khởi động. Một ủy ban quyên góp đã được thành lập dưới sự chủ tọa của ông Héraud[16] , Chủ tịch Hội đồng Thuộc địa.
Đến lúc ấy, số tiền trước tiên đã được gom góp được là 2.850 đồng từ các thành viên, trong đó ông Edgar Mathieu, Công chứng viên nổi tiếng ở Sài Gòn và là Chủ tịch Liên minh chủ đồn điền cao su (1929), đóng góp 1.000 đồng, ông Héraud đóng 500 đồng với bảo đảm sẽ đóng 1.000 đồng. Một số thành viên khác cũng bảo đảm sẽ đóng góp 1.000 đồng.
Cuộc quyên góp được phát động rộng rãi, thu hút được sự tham gia của các nhân vật đương thời như Lucien Lasseigne, Tổng đại lý của Ngân hàng Pháp Hoa ở Đông Dương; Ivan Brandela, Giám đốc Ngân hàng Đông Dương; Darles, Chủ tịch Phòng Thương mại Sài Gòn; Bec, Chủ tịch Phòng Nông nghiệp Nam Kỳ; Tướng Ducarre, chỉ huy Bộ binh Nam Kỳ Cambốt; Decoux, Tư lệnh hải quân khu vực Viễn Đông (sau này là Toàn quyền Đông Dương 1940-1945); Bontoux, Tổng đại lý của Công ty vận tải đường biển Compagnie des Messageries Maritimes; Giám mục Sài Gòn Lefebvre; và tất nhiên các thành viên của Hội nghiên cứu Đông Dương, của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp như Guigues, chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Dương; Bouchot, đại diện của trường Viễn Đông Pháp (EFEO). Phía người Việt có giáo sư Nguyễn Văn Mai, Đốc phủ sứ Vinh....
Mười ngày sau, ngày 27/6, lúc 18 giờ một cuộc họp khác của Ủy ban vận động quyên góp được tiến hành tại phòng Thương mại Sài Gòn. Tướng Ducarre đưa ra biện pháp kêu gọi sự tham gia từ nhiều phía, từ chính quyền thành phố Sài Gòn đến các công dân Nam Kỳ.
Để xúc tiến việc tham gia đóng góp đông đảo từ người dân, biệt thự Hermosilla ở số 2 công trường Maréchal Joffre (Thống chế Joffre)[17], là nhà ở của Holbé lúc còn sống, nơi đặt bộ sưu tập Holbé, được mở cửa hoạt động như bảo tàng, mở cửa ba lần một tuần vào Chủ nhật, thứ ba và thứ bảy, từ 9g sáng đến 11g, với phí vào cửa là 0,5 đồng, và thứ sáu thì mở cửa từ 8g30 đến 11g30 tối, phí vào cửa là 1 đồng.
Cuộc họp cử ra nhóm 5 người trong đó có ông Héraud, ông Mathieu, Solirène (nhà thuốc tây), ông Nguyễn Văn Của (Nhà in)... có nhiệm vụ thu thập quỹ trong vòng 4 tháng.
Vào khoảng đầu tháng 7/1927, trong một bữa tiệc long trọng tại Hội nghiên cứu Đông Dương, ông Blanchard de la Brosse hứa là sẽ cấp cho Hội tòa nhà đang xây cất, nằm đối diện với Đền Kỷ niệm (Temple de Souvenir – nay là Đền thờ vua Hùng) tại Vườn Bách thảo để làm trụ sở bảo tàng. Giải bày việc chính quyền Nam Kỳ không thể cung cấp kinh phí để mua lại bộ cổ vật, ông nói: “Chúng tôi không thể trao cho bảo tàng đồ trang sức, nhưng ít nhất chúng tôi cũng trao được cái tráp để trưng bày cho nó” (L’Écho annamite, 15/7/1927).
Báo chí cũng vào cuộc vận động gây quỹ cho Hội, kêu gọi người dân đi tham quan bộ sưu tập Holbé: “Người Sài Gòn có biết họ có thể tham quan bộ sưu tập cực kỳ nổi tiếng về nghệ thuật Viễn Đông mà ông Holbé đã bỏ ra 40 năm kiên nhẫn nghiên cứu, sưu tầm vừa được Bảo tàng của Hội nghiên cứu Đông Dương mua lại không?” (L’Écho annamite, 2/8/1927).
Cũng trong tháng 7/1927, Blanchard de la Brosse cho lưu hành đến mỗi tỉnh sổ gây quỹ để nhận sự đóng góp từ người dân Nam Kỳ mà ông tin tưởng vào sự hào phóng và lòng tự hào địa phương của họ (L’Écho annamite, 25/7/1927).
Ngày 30/7/1927, lúc 4 giờ chiều, ông Monguillot, Tổng thư ký của Chính phủ Toàn quyền Đông Dương cùng ông Guigues, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Đông Dương và ông Bouchot, Giám thủ bảo tàng, đã đến thăm bộ sưu tập Holbé và sau đó là bộ sưu tập khảo cổ của Hội nghiên cứu Đông Dương ở phố Sohier. Chính ông Bouchot là người đứng ra làm hướng dẫn viên, giới thiệu cho quan khách gíá trị các hiện vật.
Sau khi dừng lại một lúc lâu trước mỗi hiện vật trong bộ sưu tập Holbé tại công trường Maréchal Joffre, ông Monguillot bày tỏ mong muốn được nhìn thấy các mẫu vật khảo cổ học Nam Kỳ mà Hội đang có. Tượng Visnu tiền Khmer, bộ sưu tập thời tiền sử, những tác phẩm nghệ thuật Chăm đẹp nhất của Hội làm cho người sành cổ vật như ông Monguillot phải ngưỡng mộ và chỉ ra về khi đã đến 5giờ30. Ông nói rằng cuộc tham quan là vô cùng thú vị vì đấy là những bộ hiện vật vô cùng xứng đáng đối với Bảo tàng Nam Kỳ.
Như vậy, vào thời điểm ấy, Sài Gòn có đến hai bảo tàng, một bảo tàng Khảo cổ học, tức là bộ sưu tập của Hội nghiên cứu Đông Dương, mở cửa cho công chúng hàng ngày, từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật Khmer và Chăm rất tinh xảo. Bảo tàng này nằm tại số 1 đường Sohier, góc đường Massige và đường Sohier, tức là góc đường Nguyễn Văn Thủ và Mạc Đĩnh Chi ngày nay.
Bảo tàng khác là bộ sưu tập Holbé tại số 2 công trường Maréchal Joffre, mở cửa cho công chúng vào Chủ nhật, thứ ba và thứ sáu, từ 9 giờ sáng đến 11 giờ sáng, và vào thứ năm từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều, trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam và các cổ vật dân tộc học.

 Hình 4: Bản đồ minh họa 3 điểm liên quan đến Bảo tàng Nam Kỳ, A: Số 1 đường Sohier, B: số 2 công trường Maréchal Joffre, C: Địa điểm dự kiến cho Bảo tàng Nam Kỳ.
(Nguồn: Plan de Saigon, Guide Madrolle, 1928, Thư viện Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, ký hiệu M 74)Hình 5: Địa điểm số 2 Công trường Quốc tế, trước đây là số 2 Place Maréchal Joffre
(Nguồn: Trương Hoàng, 2019.)

Trong thời gian đó, cuộc vận động quyên góp quỹ vẫn được tiến hành và hoàn thành vào ngày 31/8/1927. Số tiền có được, được chuyển về cho ông Bonenfant, đại diện ngân hàng Đông Dương và là thủ quỹ của Hội nghiên cứu Đông Dương. Bộ sưu tập được bàn giao chính thức cho chính phủ Nam Kỳ để thúc đẩy chính phủ thực hiện việc thành lập bảo tàng như đã dự định. Cuộc bàn giao này được thực hiện vào đầu năm 1928
Người Sài Gòn bắt đầu vào tham quan hai bảo tàng ấy dù phải đóng phí vào cửa. Ông Bouchot thường đứng ra hướng dẫn khách tham quan.
Sau cuộc tham quan của ông Monguillot một tuần, vào ngày 7/8/1927 một nhân vật khác cũng quan trọng không kém là bà Marguerite Varenne[19] đến thăm nơi lưu giữ các bộ sưu tập.
Ngày 24/11/1927, bảo tàng chính thức ra đời. Thay mặt Toàn quyền Đông Dương, Blanchard de la Brosse ký nghị định thành lập bảo tàng. Bảo tàng có tên gọi là bảo tàng Nam Kỳ (Musée de la Cochinchine). Bảo tàng được xác định là một bảo tàng nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ học và dân tộc học. Bảo tàng nằm dưới quyền lãnh đạo của Thống đốc Nam Kỳ và dưới sự giám sát của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Giám thủ của bảo tàng do Thống đốc bổ nhiệm dưới sự giới thiệu của Giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Bulletin de l’Ecole française d'Extrême-Orient, 1927).
Ngày 28/11/1927, Blanchard de la Brosse ký một nghị định xác định chính thức tòa nhà đang được xây dựng trong Vườn Bách thảo, sẽ được sáp nhập vào bảo tàng và qui định cách bố trí của bảo tàng, theo đó mỗi loại hiện vật sẽ được trưng bày theo từng không gian riêng. Các hiện vật được phân loại theo xứ sở, theo thời kỳ, theo chất liệu, theo loại công cụ...
Bảo tàng Nam Kỳ đổi tên gọi thành bảo tàng Blanchard de la Brosse do nghị định mà ông Monguillot ký vào ngày 6/8/1928 trước khi rời nhiệm sở về nước. Chính ông Louis Finot, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ đã đề xuất ý tưởng này, ghi nhận người đã ra quyết định thành lập bảo tàng. Trong dịp này, ông Bouchot đã được bổ nhiệm làm người phụ trách Bảo tàng Blanchard de la Brosse (Bouchot, 1931).
Vào ngày đầu năm 1929, lễ khánh thành bảo tàng tại trụ sở mới được long trọng tiến hành, ông Pasquier, Toàn quyền Đông Dương chủ tọa buổi lễ. Có nhiều nhân vật quan trọng đến dự như ông Jules Grenard, Giám đốc ngân hàng Đông Dương, Ông Rosel, Giám đốc Trường Cơ học Châu Á, ông Louis Chauchon, Tổng công trình sư, ông Edmond Lauthier, Giám đốc Công ty Thủy Điện Sài Gòn... Cũng trong dịp này là lễ trao huân chương Hiệp sĩ cho những người đã đóng góp vào bảo tàng như ông Sorel, ông Chauchon , ông Bouchot...
Từ ngày 4/2/1929, bảo tàng mở cửa cho công chúng tham quan hàng ngày, trừ thứ tư, từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng và từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối. Bảo tàng chọn giờ mở cửa như thế là để cho những người phải làm việc vào ban ngày có cơ hội tham quan vào thời điểm tốt nhất trong ngày. Về sau, giờ mở cửa có thay đổi một ít, giờ mở cửa vào buổi sáng được lùi lại trễ hơn 1 tiếng, từ 8giờ đến 10 giờ, buổi chiều thì sớm hơn 1 tiếng, mở vào lúc 4 giờ chiều, nhưng giờ đóng cửa vẫn không thay đổi là lúc 9 giờ tối.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Bảo tàng của nước Pháp, Bouchot cho biết một số tình hình của bảo tàng sau khi được khánh thành như sau:
Tòa nhà nơi đặt bảo tàng quả thật là một lâu đài nhỏ, đáp ứng đúng yêu cầu của một bảo tàng. Tòa nhà nằm trong Vườn Bách thảo, cách xa được bụi bặm và ồn ào của đô thị. Thư viện của bảo tàng rất phong phú, thuộc Hội nghiên cứu Đông Dương, có khoảng 10 nghìn đầu sách về nghệ thuật, khảo cổ học, lịch sử, tôn giáo, có cả những tác phẩm bằng chữ Hán và chữ Xiêm. Với kho tàng như vậy, thư viện này được xem là thư viện lớn thứ hai tại Đông Dương, chỉ đứng sau thư viện của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội. Về hiện vật, Bouchot cho biết, số lượng chính xác là 4.000 hiện vật, là loại thượng hạng được lựa chọn nghiêm túc. Có nhiều hiện vật gây ấn tượng mạnh cho người sành cổ vật về chất lượng và độ hiếm có của chúng.
Bouchot còn cho biết, vào năm 1929, từ ngày 1/1/1929 đến ngày 31/12, số lượng người tham quan lên đến 128.000 người. Trong số đó, người địa phương có khoảng 100.000 người, số còn lại là người Âu Châu tại Đông Dương hay những du khách. Có nhiếu hãng du lịch tàu biển, mỗi khi ghé đến Sài Gòn đếu có những đoàn du khách ghé thăm (Bouchot, 1931).
Sự xuất hiện của bảo tàng Blanchard de la Brosse, tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh là một thành tố làm cho bức tranh đô thị Sài Gòn hoàn chỉnh hơn, đáp ứng với như cầu, văn hóa, giáo dục cho xã hội đương thời.

PGS.TS.Tôn Nữ Quỳnh Trân
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển

------------------------------------------
[1] Các con số kèm theo các địa điểm tương ứng với các con số trên sơ đồ minh họa, hình 1.
[2] Địa chỉ: 86 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1.
[3] Trụ sở Tổng Lãnh sự Pháp ngày nay. Địa chỉ: 27 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1.
[4] Địa chỉ: 9 Bến Chương Dương, quận 1.
[5] Địa chỉ: 3-5 Hồ Tùng Mậu, quận 1.
[6] Năm 1969, Trường được dời về tại địa chỉ 65 Tự Đức (đường Nguyễn Văn Thủ hiện nay), quận Nhất, Sài Gòn. Và đây cũng là địa điểm mà trường tọa lạc đến hiện nay, mang tên là Trung học Công Nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
[7] Nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, số 65 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
[8] Địa chỉ: 275 Điện Biên Phủ, quận 3.
[9] Tên trường được đổi nhiều lần, đến năm 1948 thì đổi thành Lycée Marie Curie. Tên gọi Marie Curie được giữ cho đến nay. Địa chỉ: 159 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3.
[10] Đại lộ Lê Duẩn hiện nay.
[11] Địa chỉ hiện nay: 1 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
[12] Quảng trường Đức Bà hiện nay.
[13] Chính trị gia nổi tiếng, chủ trương chính sách xâm chiếm thuộc địa của thời Đệ tam Cộng hòa Pháp.
[14] Tên đầy đủ là Paul Blanchard de la Brosse (24/7/1872- ?), Nhà ngoại giao Pháp, Thống đốc Nam Kỳ từ 1926-1929, Giám đốc Văn phòng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ Pháp tại Trung Quốc.
[15] Tên đầy đủ là Victor Thomas Holbé (18..?-1927), Bác sĩ dược, thưộc hải quân Pháp, thành viên thông tấn của Hội nghiên cứu Đông Dương có tiệm thuốc Tây tại đường Catinat (Đồng Khởi).
[16] René Héraud (1882-1929), Giám đốc Công ty dầu mỏ Châu Á - Pháp (Shell), đồng sở hữu các đồn điền cao su Suoi-chua và Phước-Bình, giám đốc Cảng thương mại Saïgon, Hội Bất động sản và gạo của Sóc Trăng, chủ tịch Công ty Đất đai Ấn - Đông Dương, Chủ tịch (1926) của Hội đồng Thuộc địa, Chủ tịch Liên minh những người chủ đồn điền cao su (tháng 9 năm 1925).
[17] Tức là Công trường Quốc tế (Hồ Con Rùa), vòng xoay giao lộ Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn tần và Trần Cao Vân, quận 1 TP. Hồ Chí Minh. Địa chỉ số 2 công trường này hiện nay vẫn còn, hiện là trụ sở của Công TNHH Một thành viên Cây Xanh.
[18] Đền tưởng niệm những người Việt đi lính Pháp tử trận trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.
[19] Phu nhân của Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne (1870-1947), Tiến sĩ Luật, giữ chức vụ Toàn quyền Đông Dương từ năm 1925 đến 1928, là người của nền Đệ tam Cộng hòa Pháp và là thành viên của Đảng Xã hội Pháp.


đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP