NGHI LỄ GIỖ QUỐC TỔ TẠI DI TÍCH ĐỀN THỜ HÙNG VƯƠNG (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)

Tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam. Tín ngưỡng này là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân công đức của các vị vua Hùng đã có công dựng nên nước Văn Lang. Nhớ đến Quốc Tổ Hùng Vương “không phải để nhớ tới những điều hoang đường thời tiền sử nhưng để kiêu hãnh rằng dân tộc Vệt Nam ta có tổ, có tổ nghĩa là có một lịch sử từ mấy nghìn năm nay” [1]. Chính vì lý do này mà rất nhiều ngôi đền thờ Hùng Vương đã được xây dựng trên khắp cả nước. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu của ngành văn hóa thì toàn thành phố có 11 cơ sở tín ngưỡng có đặt thờ Hùng Vương. Trong số đó thì Di tích đền thờ Hùng Vương nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên là ngôi đền có lịch sử lâu đời hơn cả. Năm 2015, đền thờ Hùng Vương đã được xếp hạng là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp thành phố. Nơi đây cũng từng là địa điểm được chính quyền thành phố chọn để tổ chức lễ Giỗ Tổ hằng năm. Do vậy, ngôi đền này có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại thành phố Hồ Chí Minh. 
Hằng năm, lễ hội lớn nhất tại đền chính là ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Từ xa xưa, ngày giỗ Tổ được xem là ngày Quốc lễ và trong dân gian có câu rằng:

“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”

Nghi thức cúng tế trong ngày này được thực hiện theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc: Mở đầu buổi lễ là màn biểu diễn lân sư rồng, tiếp đó là phần rước lễ và cuối cùng là nghi thức tế lễ.
Nổi bật nhất trong lễ hội này chính là phần rước lễ và tế lễ. Đoàn rước lễ trong trang phục cổ truyền, đi đầu là đoàn chiêng trống mở đường, theo sau là đoàn lễ kỳ, tiếp theo là đoàn rước kiệu với chiếc kiệu được làm bằng gỗ đúng theo phong cách của chiếc kiệu ở đền Hùng Phú Thọ. Trên kiệu có đặt lư hương và lễ vật gồm bánh chưng, bánh dày, hương đăng trà quả. Theo sau đoàn rước là ban nữ tế gồm có 1 chánh tế, 4 phó tế và 12 giai tế, tất cả đều mặc trang phục áo dài khăn đóng theo thể thức cung đình truyền thống, tay cầm kiếm lệnh tuần tự tiến vào đền.
Sau khi đoàn rước lễ vào trong đền dâng lễ vật lên án thờ Hùng Vương thì ba hồi chiêng trống được đánh lên để báo hiệu nghi thức tế lễ bắt đầu. Phần tế lễ sẽ diễn ra theo nghi thức dâng đèn, dâng hương, dâng rượu. Góp phần trang nghiêm cho buối tế lễ là tiếng nhạc lễ từ những nhạc cụ dân tộc truyền thống hòa chung tạo nên không gian thiêng liêng. Kết thúc buổi lễ, một giai tế sẽ thực hiện nghi thức đọc chúc văn với những lời ôn lại lịch sử dựng nước Văn Lang cùng lời tán dương công đức vua Hùng và cầu cho đất nước giàu mạnh:
“…Hơn 4000 năm thanh sử lưu truyền, tích sử còn ghi, Thần Nông tử thế, Hồng Bàng thị, vua Lạc Long Quân sánh cùng nàng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm con, vì lẽ Rồng Tiên, hai ngã chia hàng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên non, truyền 18 đời Hùng Vương, kế vị Thánh Tổ khai cơ lập quốc, dựng nghiệp hưng bang, hiệu Văn Lang quốc, đặt vương lên quốc, đất đai muôn dặm, mở mang bờ cõi, từ mục Nam Quan, đến mũi Cà Mau, giang sơn thống nhất vững bền, con cháu anh hùng tuấn kiệt, tự Đinh - Lê - Lý - Trần…
…Kính cẩn cúi mong Quốc Tổ chứng giám, phù trì cho nước Việt Nam thái bình an lạc, cho non sông đất Việt cẩm tú huy hoàng, cho dân phồn thịnh, cho non nước an ninh, trong phú cường, ngoài hoàn hảo, cho con cháu Lạc Hồng, danh thơm muôn thuở, vang lừng hoàn vũ…”
Những lời văn trong văn tế đã khái quát lại phần nào lịch sử lập quốc của vua Hùng, giúp cho những người dự lễ thêm tự hào về lịch sử dân tộc. Sau đó, chúc văn sẽ được hóa và chấm dứt phần tế lễ. Khi phần lễ kết thúc cũng là lúc đông đảo người dân tiến vào dâng hương lễ bái, tri ân công đức của các vị vua Hùng.
Có thể nói rằng, tín ngưỡng thờ quốc Tổ Hùng Vương là một di sản quý báu của dân tộc, nó có vai trò cố kết cộng đồng thành một khối thống nhất, giúp cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn. Nhờ tín ngưỡng này mà con cháu Lạc Hồng ngày càng thêm yêu quê hương đất nước, cùng nhau đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam ngày một hùng mạnh như lời Bác Hồ đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây chính là ý nghĩa nhân văn nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh vào năm 2012.

[1] Toan Ánh (2005), Nếp cũ Hội hè đình đám (quyển thượng), Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.74.


Án thờ Hùng Vương tại chánh điện


Nghi thức rước lễ


Nghi thức tế lễ


Nghi thức đọc chúc văn

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP