Nghệ thuật tạo lập thế trận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của Chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954, đánh dấu sự phát triển cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; trong đó, tạo lập thế trận là một trong những nét nghệ thuật quân sự đặc sắc.

Bộ đội ta hành quân vào chiếm lĩnh trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
(Nguồn: http://http://tapchiqptd.vn/)

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công quy mô lớn, tiêu diệt địch phòng ngự trong công sự vững chắc, các đơn vị của ta đã thực hiện xuất sắc tiêu diệt gọn quân địch về chiến thuật, tiêu diệt lớn về chiến dịch và chiến lược, làm nên Chiến thắng lịch sử “chấn động địa cầu”. Kết thúc Chiến dịch, ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 16.200 tên địch (gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược), phá hủy, thu hồi nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh, giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Thắng lợi lừng lẫy của Chiến dịch đã để lại nhiều bài học quý cả về lý luận và thực tiễn, khẳng định sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp; trong đó, tạo lập thế trận chiến dịch là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc.
Thứ nhất, chủ động tạo lập thế trận Chiến dịch Điện Biên Phủ trên nền tảng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, toàn dân kháng chiến.
Xét về tổng thể cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 (trong đó có Chiến dịch Điên Biên Phủ) nói riêng cho thấy, nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta là đã vận dụng, phát triển sáng tạo phương thức chiến tranh nhân dân Việt Nam, thực hiện “kháng chiến toàn dân, toàn diện” để đánh thắng một đế quốc sừng sỏ, có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội. Sự kết hợp nhuần nhuyễn loại hình chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy đã trở thành nét đặc sắc về cách đánh của chiến tranh nhân dân, từ đó tạo ra thế trận tác chiến rộng khắp, đánh địch với nhiều loại hình, quy mô: từ đánh nhỏ, lẻ của lực lượng vũ trang địa phương, du kích trong vùng tạm chiếm, đến đánh tập trung của các binh đoàn chủ lực ở những địa bàn chiến lược lựa chọn. Trong thực tế, trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ súng, ta đã tổ chức một số đơn vị chủ lực “nhỏ” và “tinh” đánh vào các hướng địch yếu nhưng hiểm, tiêu diệt lực lượng địch tại chỗ và giải phóng một số địa bàn chiến lược, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động ra các hướng để đối phó. Đồng thời, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích rộng khắp trên phạm vi cả nước với các hoạt động tác chiến của đơn vị chủ lực cấp sư đoàn, trung đoàn trên một số chiến trường, ta đã thành công trong việc kìm giữ, giam chân một số đơn vị chủ lực địch. Như vậy, thế trận của Chiến dịch Điện Biên Phủ được tạo lập trong thế trận chiến tranh nhân dân vô cùng hiểm hóc, lợi hại, giăng ra khắp nơi, đẩy bộ chỉ huy của tướng Na-va phải hành động theo ý định của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Khối cơ động chiến lược của địch - “quả đấm mạnh” đã bị dàn mỏng, giam chân ở khắp các chiến trường Đông Dương, làm cạn kiệt lực lượng ứng cứu cho Điện Biên Phủ, làm so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía ta. Bên cạnh đó, thế trận Chiến dịch Điện Biên Phủ còn được tạo bởi thế trận chiến tranh nhân dân thông qua việc ta đã xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của nhân dân cả nước tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhất là trong công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho Chiến dịch; tạo sự bất ngờ lớn cho địch, khi chúng cho rằng với địa hình hiểm trở, xa hậu phương, ta không thể khắc phục để vận chuyển, tiếp tế đủ lương thực, thực phẩm, đạn dược,… phục vụ chiến trường Điên Biên Phủ.
Thứ hai, tích cực chuẩn bị chiến trường, đẩy đối phương vào thế hoàn toàn bất lợi.
Trong chiến tranh và chiến đấu, muốn giành thắng lợi, nhất là trong điều kiện “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều” thì ắt phải dựa vào mưu kế và thế trận. Trong đó, thế trận hiểm hóc, phức tạp làm cho địch không biết đâu mà đối phó, chia địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt, đánh địch cả phía trước, bên sườn, phía sau, làm cho địch đông mà hóa ít, mạnh mà hóa yếu. Từ chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh đã đề ra Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954; trong đó, xác định sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu vực Tây Bắc. Đồng thời, tiếp tục củng cố phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân trên khắp chiến trường, đặc biệt coi trọng việc đổi mới về tổ chức biên chế, trang bị, huấn luyện các đại đoàn chủ lực theo phương thức tác chiến của các loại hình chiến dịch hiện đại. Từ năm 1953, ta đã có bước triển khai chuẩn bị chiến trường, sửa chữa và xây dựng hệ thống đường vận chuyển cơ giới lên hướng Tây Bắc, nối liền Tây Bắc với các vùng hậu phương chiến lược Việt Bắc, Khu 3 và Khu 4.
Như vậy, từ chủ trương đến hành động, công tác tạo lập thế trận trên hướng Tây Bắc được ta chủ động chuẩn bị. Đặc biệt, với nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đúng đắn, ta đã sử dụng lực lượng tuy không nhiều nhưng đã giành thắng lợi lớn trên nhiều hướng chiến lược đã lựa chọn, nhất là trên hướng Tây Bắc, buộc địch phải tiếp tục “xé nát” khối chủ lực cơ động chiến lược, lập thêm tập đoàn cứ điểm phòng ngự ở Điện Biên Phủ, chấp nhận tác chiến với chủ lực ta ở nơi không có lợi cho chúng. “Vô luận rồi đây địch sẽ thay đổi thế nào, việc địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta, nằm trong dự kiến chung của ta. Tây Bắc vẫn là hướng chủ yếu”2. Địch quyết định chiếm đóng Điện Biên Phủ không nằm trong “Kế hoạch Na-va”; xây dựng tập đoàn cứ điểm lại được Na-va chọn trong một thung lũng, bao quanh bởi núi cao, rừng rậm, không thuận lợi cho cơ động, bất lợi cho các hoạt động tác chiến. Yếu tố này không tập hợp được tổng thể các hoàn cảnh, điều kiện để tổ chức, bố trí, triển khai lực lượng và thiết bị chiến trường nhằm tạo thế có lợi và phát huy cao nhất sức mạnh chiến đấu ở phạm vi chiến lược. Vì vậy, dù quyết tâm mở Chiến dịch Điện Biên Phủ ta không dự kiến từ đầu trong Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, nhưng đã nhanh chóng trở thành hướng tiến công chính của Kế hoạch chiến lược này.
Thứ ba, liên tục điều chỉnh, chuyển hóa thế trận, hình thành thế “vây chặt, khóa chắc” từng cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng.
Mặc dù dự kiến mở màn Chiến dịch vào ngày 25/01/1954 (sau quyết định vào ngày 13/3/1954), nhưng ngay từ ngày 05/12/1953, khi phát hiện địch ở Lai Châu rút về Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh đã lệnh cho Đại đoàn 316 tiếp tục tiến công giải phóng Lai Châu; đồng thời, chỉ đạo Đại đoàn 308 (đang ở Sơn La) sử dụng 01 trung đoàn cắt đường rừng xuống chốt ở Pom Lót, chặn đường địch từ Điện Biên Phủ sang Thượng Lào. Đối với Đại đoàn 316, sau khi truy kích địch trên đường Lai Châu - Điện Biên Phủ, đã lập chốt chặn từ Mường Muôn, Mường Pồn đến Pu San và bám địch ở Him Lam, Bản Tấu. Như vậy, đúng lúc những cứ điểm đầu tiên của địch vừa mới bắt đầu xây dựng ở Điện Biên Phủ, cũng là lúc các ngả đường Lai Châu - Điện Biên, Tuần Giáo - Điện Biên, Điện Biên - Sốp Nao, Thượng Lào và cả hai đầu con đường độc đạo Bắc - Nam dọc cánh đồng Mường Thanh, từ Bản Tấu đến Pom Lót đều bị các lực lượng của ta án ngữ, hình thành thế bao vây địch về chiến dịch ngay từ ban đầu. Bước vào quá trình chuẩn bị Chiến dịch theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, quân ta đã nhanh chóng hình thành thế bao vây quân địch quy mô lớn hơn, chặt hơn quanh cánh đồng Mường Thanh. Đặc biệt, khi Bộ Tư lệnh quyết định thay đổi phương châm chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta đã từng bước hình thành thế trận “trói chặt” địch lại bởi hệ thống chiến hào dài hàng trăm ki-lô-mét được ken dày và ngày càng siết chặt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu.
Mọi kế hoạch tháo chạy từ Xê-nô-phôn lúc ban đầu, đến “Diều hâu” của Mỹ và cuối cùng là các kế hoạch “Chim ưng”, “Chim biển” của Pháp đều không thể thực hiện được. Cùng với đó, thế trận bố trí tập trung binh lực, hỏa lực, nhất là pháo binh hơn hẳn địch đã tạo thế có lợi để ta giành thắng lợi trong từng trận đánh và kết quả của trận đánh trước tạo thế, tạo đà cho trận đánh tiếp theo. Ta đã thực hiện tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, trước hết là trên các điểm cao khống chế phía Bắc, rồi phía Đông, “bóc vỏ” từ ngoài vào, mở đường tiến xuống cánh đồng Mường Thanh, tiếp cận và uy hiếp ngày càng sâu, càng mạnh tung thâm phòng ngự, cuối cùng dứt điểm bằng cuộc tổng công kích vào phân khu Trung tâm của Tập đoàn cứ điểm, giành thắng lợi hoàn toàn. Với thế trận vững chắc, hiểm hóc, bám sát, đánh gần, quân ta đã không chỉ “vây chặt, khóa chắc” địch, mà còn hạn chế đến mức thấp nhất việc phát huy thế mạnh của địch là quân số đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc và khoét sâu chỗ yếu lớn nhất của chúng là ở vào thế bị cô lập, gặp nhiều khó khăn về tiếp tế, tăng viện, từ đó dù cho địch biết trước thất bại mà không có biện pháp nào có thể cứu vãn.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có nghệ thuật tạo lập thế trận đã được tiếp tục kế thừa, nâng lên tầm cao mới, góp phần quan trọng làm nên những chiến thắng vang dội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và còn nguyên giá trị, cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển, phù hợp với chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, làm phong phú thêm kho tàng lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần gắn phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, không ngừng xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ vững mạnh; xây dựng và nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân; kết hợp chặt chẽ giữa thế bố trí của các binh đoàn chủ lực cơ động với thế trận phòng thủ của lực lượng tại chỗ các tỉnh, thành phố và các chốt chiến dịch, chiến lược trên các hướng, chiến trường trọng điểm; chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống chiến lược, chiến thuật, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ thời bình, nhằm đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đồng thời, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng, TS. ĐẶNG QUANG MINH, Viện Chiến lược Quốc phòng

 ___________
1 - Cả nước đã huy động 20.584 tấn gạo, 14,7 triệu ngày công, 261.500 dân công, 628 xe ôtô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 300 xe ngựa, cùng nhiều tàu, thuyền, lừa, ngựa. Riêng đồng bào vùng Tây Bắc đã huy động cho chiến dịch 7.310 tấn gạo, 1.818 dân công, v.v.
2 - Bộ Tổng Tham mưu, Cục Nhà trường, Giáo trình Lịch sử Quân sự, Tập III, Khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam (1930 - 1945), Nxb QĐND, H. 1997, tr. 124.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP