KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

21/6/1925 – 21/6/2019

Cách đây 94 năm, ngày 21/6/21925, báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức ra đời, góp phần chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ đó đến nay, trải qua 94 năm, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng và Nhà nước.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21.6.1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo "Thanh niên" do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.

Từ khi có báo "Thanh niên", báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là báo Thanh niên mở đầu cuộc Cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh...

Ngày 2.6.1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7.1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Tháng 2.1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5.2.1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21.6.1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21.6.1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 21.6.2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, báo chí luôn đóng góp tích cực trên mặt trận thông tin tuyên truyền, thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia giám sát, phản biện, giúp các cơ quan ban ngành xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách. Điều này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chính là một sự khẳng định dân chủ hoá đời sống báo chí và cũng là một bước phát triển, đổi mới lý luận báo chí cách mạng Việt Nam.

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP