CÂU CHUYỆN VỀ QUÝ PHI SÀNG TRONG SƯU TẬP VƯƠNG HỒNG SỂN

Trong Tạp bút năm Quý Dậu, cụ Vương Hồng Sển đã mở đầu câu chuyện của quý phi sàng như sau: “Đó là một cái sập ba thành, bằng gỗ cây táo tàu đã lên nước đen mun và bóng ngời... Đây là “quý phi sàng” độc nhất vô nhị, và truy ra đó là giường nằm của Bảy Viễn Rừng Sác khét tiếng năm xưa”.

Cũng theo ghi chép của cụ Vương thì sau khi Bảy Viễn mất ngôi bá chủ Bình Xuyên, gia tài bị tịch thu, của cải bị phát mãi, một phần đồ gỗ của ông bị bán cho tiệm Huê Hưng ở đường Trịnh Hoài Đức trong Chợ Lớn. Trong một dịp tình cờ đến tiệm, cụ Vương Hồng Sển đã may mắn mua được chiếc sàng này. Khi đó, mặc dù cụ Vương không đủ tiền nhưng được ông chủ Huê Hưng mở lời: “Tôi sẵn lòng bán chịu, ông có bao nhiêu thì đưa cho tôi, độ bốn ngàn (4.000$), còn lại 12.000$, ông sẽ trả góp làm ba tháng”. Do đó, cụ Vương đã quyết định mua và trả ngay bốn ngàn đồng trước, quý phi sàng nhanh chóng được những người thợ thiện nghệ tháo và chở về Vân Đường Phủ ráp lại.
Đến mỗi kỳ hạn thanh toán, cụ Vương đều thắc mắc về các chi tiết trên quý phi sàng. Lần đầu tiên, cụ hỏi rằng vì sao bộ cờ tướng trang trí trên sập có đủ quân xe, pháo, mã, sĩ, tốt nhưng không thấy quân tướng. Ông Huê Hưng vui vẻ giải thích rằng: “Tiếng rằng quản thủ viện bảo tàng, nhưng dốt ngay cán cuốc, mầy làm chủ cái giường thì mầy là ông tướng đó chi”. Lần thứ hai, cụ Vương chất vấn: “Trong câu thi thứ nhứt, Thi tửu cầm kỳ kiếm, nay bộ cờ đã thấy nhưng còn bốn thứ kia, chưa thấy phân minh”, chủ hiệu Huệ Hưng có sẵn câu trả lời: “Cặp liễn là thi, và mấy món kia rành rạnh hãy về xem lại, bầu rượu chạm nơi giữa mày trung tim, cầm thì có hai cây tỳ bà làm vách đôi bên chiếc sàng, và cây gươm (kiếm) rõ rệt lộ liễu hiển nhiên”.


Một số chi tiết của Quý phi sàng


Một số chi tiết của Quý phi sàng
 

Lần cuối cùng, cụ Vương tiếp tục hỏi: “Nào thấy Phong hoa tuyết nguyệt thiên đâu nào?”. Ông Huê Hưng tiếp tục cắt nghĩa: “Phiến đá giữa là cảnh gió thổi hoa lạc tơi bời, phiến bên hữu là cảnh trời xanh vân cẩu, phiến bên tả là cảnh núi tuyết và vầng trăng”. Thỏa mãn hết những câu trả lời của ông chủ Huê Hưng, cụ Vương đã trả đủ mười sáu ngàn (16.000$) để chính thức sở hữu quý phi sàng.
Theo mô tả của cụ Vương thì quý phi sàng là dạng trường kỷ tam sơn có một mặt phẳng do ba tấm ván gỗ cây táo tàu ghép lại, dùng làm chỗ nằm yên mát, và ba bề được che bít; hai bên tả, hữu là chỗ dựa tay, là hai cây tỳ bà chạm tỉ mỉ đủ trục, dây, phiếm đàn, và bức vách giữa chia làm ba phiến đá vân thạch (Hán tự là Đại Lý thạch), đá vân thạch ấy bọc viền bằng gỗ chạm. Phần độc đáo nhất chính là đôi câu đối theo dạng triện thư khắc trên vách dựa:

詩酒琴棋劍
風花雪月天

Thi tửu cầm kỳ kiếm,
Phong hoa tuyết nguyệt thiên.

Cặp liễn đối độc đáo này được lấy ý từ một đoạn trong sách “Thần đồng thi” của Trung Quốc mà người Việt vẫn gọi bằng tên “Ấu học ngũ ngôn thi”. Đoạn thơ này như sau:

Thi tửu cầm kỳ khách,
Phong hoa tuyết nguyệt thiên.
Hữu danh nhàn phú quý,
Vô sự tán thần tiên.

Tạm dịch:

Khách là thi tửu cầm kỳ,
Phong hoa tuyết nguyệt thiếu gì thú vui.
Thanh nhàn phú quý tuyệt vời,
Thần tiên tự tại sống nơi cõi trần.

Đoạn thơ này là một trong những đoạn cuối của tác phẩm, nội dung nói về người kẻ sĩ sau khi công danh đã thành thì quay về vui thú điền viên, hưởng thụ thanh nhàn với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Trải qua bao chìm nổi theo dòng đời, hành trình của quý phi sàng từ sở hữu của Bảy Viễn để rồi bị bán ra tiệm đồ cũ rồi lại về với cụ Vương Hồng Sển, được cụ trân trọng đặt tại thư phòng trong Vân Đường Phủ. Sau khi vụ Vương qua đời, theo di nguyện lúc sinh thời, quý phi sàng cũng với những hiện vật khác được Bảo tàng Lịch sử tiếp nhận. Hiện nay, quý khách có thể tận mắt thưỡng lãm đồ án trang trí tinh tế cũng như tìm hiểu ý nghĩa rất sâu sắc của quý phi sàng tại phòng trưng bày Sưu tập Vương Hồng Sển.

đăng kí

Quý khách vui lòng điền thông tin vào mẫu bên dưới để đăng kí !

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: (028) 3829 8146 - 3829 0268 - Fax: (028) 3825 8784 - Email: bt.ls.svhtt@tphcm.gov.vn

Copyright © 2018
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
All rights reserved. Design by Canh Cam.

TOP